Cong ty To Chuc Su Kien Vung Ben Tai Bac Ninh
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline:
0862 855 475
Miss Thủy:
0947 096 691
Khách Online:
1
Tổng cộng:
6,220,710
Cập nhật: 13/02/2014
Ve voi hoi Lim
Về với hội Lim
Hội Lim-hội của giao duyên, hội của hẹn hò. Hội Lim từ xa xưa đến tận bây giờ luôn là niềm khát khao của triệu triệu du khách muôn phương. Ai chưa từng trảy hội Lim thì thèm mong, ước vọng. Người đã một lần về hội Lim thì lo sửa soạn áo khăn chờ đến hội lại về. Chẳng thế mà đã có nhiều bài báo ra sức “nhặt sạn hội Lim” nhưng dòng người vẫn nườm nượp, chen vai về hội khiến hội Lim năm sau luôn đông hơn năm trước
Dòng người tấp nập trảy hội Lim.
 
 
Người dân vùng Lim còn truyền câu ca dao cổ về hội Lim: “Ba năm hai cái hội chùa/ Nào ai có dám bỏ bùa cho ai/Già già, trẻ trẻ, gái trai/ Đua nhau ăn mặc hán hài đi xem/ Hội Lim ai thấy chẳng thèm…”. Không quá khó để lý giải sức hút hội Lim bởi tinh hoa của Di sản Dân ca Quan họ tụ hội đầy đủ ở đó. Hội Lim là hội hát Quan họ đặc sắc nhất vùng Bắc Ninh-Kinh Bắc. Chính những câu ca Quan họ say lòng, phơi phới sức xuân đã hút hồn du khách, khiến bao người cứ ngơ ngẩn vấn vương khó dứt.

Có biết bao du khách hết năm này qua năm khác trảy hội Lim mà cứ đến hẹn 13 tháng Giêng lại nô nức, xốn xang như lần đầu đến hội. Bác Nguyễn Đình Thường, 62 tuổi ở Kiến Thụy, Hải Phòng kể: Tôi có một ông bạn năm nào đi hội Lim về cũng phàn nàn rằng đi hội chỉ để xem người, quá đông đúc và ngột ngạt, các tệ nạn cờ bạc trá hình, quảng cáo lễ hội còn lộn xộn... Thế mà cứ đến hội Lim là lại rủ tôi đi bằng được chỉ vì không thể quên những canh hát Quan họ thâu đêm. Về hội Lim, chúng tôi thường tìm vào các gia đình nghệ nhân để nghe hát canh vì đó mới là tinh túy của Quan họ.

Về với Hội Lim khách trảy hội đều muốn xem, nghe và được hát Dân ca quan họ với các liền anh, liền chị, đó cũng là đặc trưng cơ bản nhất của lễ hội vùng Lim. Dân ca Quan họ nổi tiếng không chỉ ở lời ca trữ tình, nồng nàn yêu cuộc sống và tình yêu đôi lứa, hay với hàng trăm làn điệu đặc sắc mà còn hội tụ nhiều yếu tố hiếm thấy. Từ lời ăn tiếng nói đến lối ứng xử, người Quan họ đều từ tốn, khiêm nhường. Tục kết “chạ” giữa các làng Quan họ hay kết bạn giữa các “bọn” Quan họ đã hình thành nếp sống chuẩn mực.

Người Quan họ đều là “liền anh”, “liền chị” nhưng bao giờ cũng tự xưng là “chúng em”. Sinh hoạt văn hóa Quan họ ở hội Lim dường như đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của tất cả các lực lượng Quan họ trong tỉnh.

Ông Lê Danh Khiêm, nhà nghiên cứu văn hóa Quan họ Bắc Ninh cho biết: Sinh hoạt văn hóa Quan họ ở hội Lim sinh động và trữ tình hơn bất kỳ ngày hội xuân của làng Quan họ nào khác. Bởi lẽ, hội Lim là lễ hội quy mô hàng tổng lại diễn ra ở nơi hội tụ nhiều làng Quan họ gốc nên lực lượng Quan họ tại chỗ đông đảo, hùng hậu, từ đó tạo sức hút, lôi cuốn hầu hết các bọn Quan họ nam, nữ ở các làng Quan họ trong vùng đến chơi hội và ca hát. Đặc biệt, trong ngày hội Lim xưa thường có hàng chục cặp đôi làm thủ tục kết bạn nên hội Lim còn được xem như môi trường khởi nguồn của việc kết bạn, gắn kết rất nhiều “bọn” Quan họ nam, nữ nên nghĩa, nên tình.

Về hội Lim, du khách được sống trong không gian ngập tràn làn điệu dân ca, cảm thấu nghĩa tình truyền đời với lối chơi, lối sống sang trọng, lịch lãm của người Quan họ. Không gian đồi Lim rộng, từ đỉnh đồi xuống sườn đồi, từ sân đình đến cửa chùa, từ các lán trại Quan họ đến sân khấu, dưới thuyền; từ nơi đông hội đến các nhà chứa trong vùng, khắp các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông, Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh, Hoài Thị, Hoài Thượng, Hoài Trung, Bái Uyên… đâu đâu cũng thấy những cặp đôi Quan họ súng sính áo khăn, dập dìu trảy hội và ca hát.
 

Du khách nghe “liền chị nhí” hát Quan họ tại hội Lim.

 

Đến hội Lim, người yêu Quan họ mọi lứa tuổi, mọi thành phần đều được thỏa mãn vì chủ thể thực hành văn hóa Quan họ rất phong phú, có cả thế hệ nghệ nhân cao tuổi cho đến những liền anh, liền chị măng non.

Hòa mình trong dòng người nô nức trảy hội Lim xuân Giáp Ngọ 2014, chị Hà Thu Hương ở Phú Thọ tâm sự: Mặc dù về hội Lim nhiều lần, nằm lòng mọi ngả đường về hội, cả không gian và các hoạt động trong phần lễ, phần hội mình đều hiểu rất rõ nhưng chẳng hiểu tại sao mỗi khi chuẩn bị đến hội Lim là lại thấy háo hức, xốn xang rồi muốn gác lại tất cả công việc để về dự hội.

Bản sắc hội Lim còn thể hiện qua nghi thức rước kiệu của các làng trong vùng tập trung về tế lễ, tưởng nhớ những danh thần, liệt nữ của quê hương như: Quận công Đỗ Nguyên Thụy, Tướng công Nguyễn Đình Diễn, Bồ đề ni Mụ Ả… là những người có công lớn, góp sức, góp của và hình thành những tập tục, định lệ để hội Lim trở thành một lễ hội giàu bản sắc, quy mô và hấp dẫn du khách như ngày nay.

Mặc dù hội Lim năm nay không tổ chức rước kiệu tập trung như năm trước nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng BCĐ hội Lim 2014 thì các nghi thức tế lễ tại Lăng tướng công Nguyễn Đình Diễn và tại các đình, đền, chùa trong vùng vẫn được nhân dân địa phương tổ chức tôn nghiêm. Các hoạt động phần hội cơ bản vẫn được duy trì theo thông lệ. Bảo đảm các không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ trên đồi Lim như dựng các lán trại Quan họ, sân khấu ca nhạc Quan họ; tổ chức cho các CLB hát Quan họ dưới thuyền rồng; có khoảng 12-15 gia đình nghệ nhân tổ chức hát canh tại gia. Bên cạnh đó, các trò chơi dân gian như đấu cờ người, tổ tôm điếm, đu tiên, đập niêu, đấu vật, bịt mắt bắt dê, chọi gà… được duy trì, phục vụ du khách về trảy hội.

Dẫu hội Lim năm nay không mở hội rước, lại diễn ra vào giữa tuần, không trùng với ngày nghỉ nhưng lượng du khách về trảy hội vẫn khá đông. Xác định rõ sức hút hội Lim nên các cấp, ngành đã chủ động những phương án phân luồng giao thông từ sớm; có kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực làm ảnh hưởng đến không gian lễ hội như tệ nạn cờ bạc núp bóng các trò chơi, ăn xin hành khất, vệ sinh môi trường, dịch vụ hàng quán…; không gian lễ hội cũng được quy hoạch hợp lý, trật tự, bảo đảm cho du khách có một tâm thế thoải mái hòa mình trong các hoạt động lễ hội, nhất là thưởng thức Dân ca Quan họ Bắc Ninh, một đặc sản bất biến ở hội Lim.

“Hội Lim ai thấy chẳng thèm…” bởi ở đấy ngập tràn không gian của thơ và nhạc, của lễ hội, sắc màu mùa xuân, nên ngay cả khi chưa giã hội người người vẫn nhắn nhủ, hẹn hò “Áo khăn em chờ đến ngày hội sau/ Áo khăn em chờ đến hẹn lại lên”.

Sưu tầm