Cong ty To Chuc Su Kien Vung Ben Tai Bac Ninh
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline:
0862 855 475
Miss Thủy:
0947 096 691
Khách Online:
1
Tổng cộng:
6,252,339
Cập nhật: 23/07/2013
Thu Tu 06-02-2013 - 1031 Ngan xua bao vat dat Bac Ninh
Thứ Tư, 06/02/2013 - 10:31 Ngàn xưa bảo vật đất Bắc Ninh
Bắc Ninh-Kinh Bắc, vùng đất địa linh nhân kiệt, chiếc nôi văn hóa xứ Bắc với 2 Di sản văn hóa thế giới cùng hàng trăm công trình kiến trúc tiêu biểu, lễ hội, làng nghề…mà tiếng vang, tiếng thơm được thế giới ngưỡng mộ. Trải nhiều thế kỷ với biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, bằng tất cả trí lực của mình, nhân dân Bắc Ninh đã bảo tồn được nhiều di sản văn hóa, phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình. Trong đó có những kỷ vật văn hóa vô cùng quý hiếm, độc đáo của ông cha để lại đến nay đã được Đảng, Nhà nước công nhận là “Bảo vật Quốc gia”.

Danh sách 30 Bảo vật Quốc gia vừa được Nhà nước công nhận đợt đầu vào tháng 10-2012, Bắc Ninh vinh dự có hai tôn tượng phật giáo là: tượng Phật A-di-đà (thời Lý, hiện lưu giữ tại chùa Phật Tích, Tiên Du) và tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay (thời Lê Trung Hưng, hiện lưu giữ tại chùa Bút Tháp, Thuận Thành). Đây là hai Bảo vật được đánh giá nổi trội, độc bản và có giá trị tư tưởng nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của dân tộc...

Bảo vật nghìn tuổi

Tượng Phật A-di-đà là pho tượng đá cổ nhất miền Bắc, niên đại 1057 đã được công nhận là kỷ lục phật giáo. Hiện ở Bảo tàng lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Mỹ thuật đều có phiên bản của pho tượng này. Bảo vật Quốc gia này hiện lưu giữ tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du) với nhiều huyền tích. Từ lúc ra đời cho đến nay, tượng Phật luôn được cả dân tộc thờ phụng.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị phá hủy, pho tượng A-di-đà dãi dầu cùng mưa nắng, lửa đạn chiến tranh, thân mình hứng chịu nhiều vết đạn, đầu bị gãy. Thời loạn lạc, người dân Phật Tích còn nghèo lắm nhưng có Tâm Phật, lòng luôn hướng về cõi Phật đã chẳng quản hiểm nguy gìn giữ đầu tượng đến ngày giải phóng thì mang ra chắp lại. Tôn tượng A-di-đà như có phép nhiệm màu lại uy nghi, viên mãn trên đài sen.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh nghe giới thiệu về Bảo vật Quốc gia-Tượng Phật A-di-đà ở chùa Phật Tích (Tiên Du).

 

Tượng A-di-đà được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối cao 1.85m, tính cả bệ là 2.8m. Các nhà khảo cổ học đã đoán định rằng, pho tượng này xưa kia tọa lạc trong lòng tháp báu thời Lý. Khi bảo tháp bị phá hủy mới phát lộ tượng Phật. Dấu tích đế tháp qua khai quật khảo cổ đã minh chứng điều đó.

Theo lời kể của người dân và bút tích trong các văn bia, xưa kia, toàn thân pho tượng được sơn son thiếp vàng. Tượng được tạc theo quy lệ của đạo Phật song chất nhân tính vẫn biểu lộ sống động. Đó là hình tượng một vẻ đẹp lý tưởng trong tư thế tọa thiền lặng lẽ, đăm chiêu và lắng đọng trên một tòa sen là đóa hoa mãn khai với hai tầng cánh, đặt trên bệ đá bát giác hình tháp. Mình tượng thanh mảnh, hai chân ngồi xếp bằng hơi rướn về phía trước, hai bàn tay ngửa đặt vào nhau, vừa uyển chuyển vừa vững chãi. Đầu được kết tóc xoắn ốc, vầng trán mở rộng thể hiện trí tuệ và tuổi thọ vô lượng. Khuôn trăng đầy đặn, phúc hậu, nhân ái. Đôi mắt phượng khép hờ trong thiền định, khí sắc thanh tịnh. Sống mũi thẳng, nảy nở, thể hiện sự bao dung rộng lượng. Nụ cười kín đáo nở trên cặp môi xinh. Cổ thanh, cao ba ngấn nõn nà. Chiêm bái tượng Phật A-di-đà mỗi người tự cảm nhận và thực tập triết lý sống thanh tịnh, từ bi, hỷ xả.

Tuyệt phẩm Quan âm nghìn mắt nghìn tay

Pho tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay được xem là kiệt tác bậc nhất trong nền nghệ thuật Việt Nam được lưu giữ tại chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, Thuận Thành). Pho tượng là điển hình về quan điểm thẩm mỹ, ẩn chứa triết lý nhân sinh quan của người Việt thời Hậu Lê, nửa sau thế kỷ 17. Suốt hơn 400 năm qua, vẻ đẹp hoàn mỹ trong nghệ thuật điêu khắc của tuyệt phẩm Phật Bà nghìn mắt nghìn tay vẫn là “vô tiền khoáng hậu”.

Tìm hiểu nguồn gốc và tác giả của pho tượng cổ độc đáo này, được biết trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện kể rằng: Năm 1647, nghệ sĩ họ Trương được Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc triệu vào cung, giao trọng trách tạo một tượng Phật Bà vừa thể hiện triết lý sâu xa nhà Phật vừa thể hiện tài trí của người phụ nữ. Tiếp nhận ý chỉ, nghệ sỹ xin Hoàng Thái hậu cho về nghiên cứu. Sau đúng chín tháng ẩn mình nơi rừng sâu, hang đá sau, nghệ sỹ họ Trương trở về trong bộ dạng râu tóc bù xù, da bọc xương nhưng đôi mắt sáng quắc và dâng lên Hoàng Thái hậu bản phác thảo Phật Bà nghìn mắt nghìn tay. Cầm bản phác thảo, Hoàng Thái hậu đã như thấy Phật hiện trước mặt, vô cùng sung sướng ban lệnh làm ngay. Suốt 9 năm ròng lao động miệt mài, nghệ sỹ họ Trương cùng với cộng sự là những thợ mộc tài hoa, thợ sơn lành nghề bậc nhất thời đó và những nhà giả thị dày kinh nghiệm đã hoàn thành tuyệt phẩm Phật Bà nghìn mắt nghìn tay.

 

Bảo vật Quốc gia Phật Bà nghìn mắt nghìn tay đang lưu giữ tại chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.

 

Dựa vào những dòng chữ khắc trên bệ tượng: “Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt cốc nhật doanh tạo” và “Nam Đông giao, thọ nam, Trương tiên sinh phụng khắc”, các nhà nghiên cứu đã dịch và đoán định: Pho tượng do nghệ nhân họ Trương Thọ sáng tạo và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Thân (1656). Tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay được tạo tác và cấu thành bởi bốn bộ phận gồm: Tượng, đài sen, bệ tượng và vành tay phụ phía sau. Đầu Phật Bà là Đức A-di-đà. Tương truyền, Đức A-di-đà đã dùng phép thuật chắp lại đầu cho Phật Bà khi Phật Bà quá lo nghĩ cho chúng sinh đến nỗi đầu bị nổ tung thành nhiều mảnh nhỏ. Vì thế, tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay có bốn tầng đầu với tất cả 11 mặt Phật, 42 cánh tay để trần mềm mại như muốn ôm lấy cả thế giới bao la, cứu giúp bao lớp người cơ khổ. Sau lưng Phật Bà là vầng hào quang trên được gắn 952 tay nhỏ tạo thành vòng mở rộng từ 6 đến 14 lớp, ở giữa mỗi bàn tay chạm một con mắt mi dài, đen láy.

Với ngàn con mắt và ngàn cánh tay, Phật Bà đã nhìn thấu vũ trụ, vươn tới những cõi xa xăm diệt tà, giúp đời, giúp đạo. Phật Bà ngồi hành đạo, thư thái, ung dung. Vạt áo cà sa rủ xuống bệ, phủ lên muôn loài, thuần phục Tràng ba Long Vương dữ tợn đội tòa sen đưa Phật Bà qua biển.

Họa sỹ Phan Cẩm Thượng, người có thời gian dài sống tại chùa Bút Tháp và nghiên cứu rất kỹ về pho tượng nổi tiếng này chú giải: “Trong một ngàn năm nghệ thuật Phật giáo Việt Nam, nếu tính từ thế kỷ XI, tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp được coi là đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc truyền thống. Toàn bộ bố cục của pho tượng như luôn tỏa ra không gian, thu hút tầm nhìn, bao dung con người. Có thể nói, pho tượng đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, là kết tinh của tài năng sáng tạo, ý tưởng phật giáo và nhân sinh của người Việt”.

Tương truyền, ngày thiền sư Minh Hành cử hành nghi lễ hô thần nhập tượng, trời thu trong xanh, xuất hiện những vì sao lấp lánh ban ngày, hương thơm ngạt ngào, trong thinh không nghe như tiếng nhạc du dương. Và từ đó, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay đã trở thành tuyệt phẩm của muôn đời. Pho tượng này đã đạt giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.

Vùng đất của báu vật

Miền quê Quan họ đang từng ngày khởi sắc, vươn lên đổi mới không ngừng cùng những bước tiến vững chắc về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Con người Bắc Ninh được sinh tụ ở nơi vốn được mệnh danh là “vùng đất thuần báu vật” này dù trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn trân trọng, giữ gìn di sản văn hóa của ông cha.

Thống kê sơ bộ, Bắc Ninh hiện có khoảng 30-50 cổ vật có giá trị, xứng đáng được công nhận là Bảo vật Quốc gia trong những đợt tiếp theo. Tiêu biểu như: Ba pho tượng đá chùa Linh Ứng (Gia Đông, Thuận Thành), Tứ Pháp (chùa Dâu), Hàng linh thú đá (chùa Phật Tích), Bộ tượng Tam thế (chùa Bút Tháp)… Song có lẽ chẳng ai dám đoán định, lường tính hết sẽ còn bao nhiêu cổ vật có giá trị vẫn đang được lưu giữ, nằm sâu trong từng lớp đất mà hàng ngày chúng ta vẫn bước đi trên đó. Bắc Ninh là thế - một vùng đất năng động mà đi đến đâu cũng dễ chạm tay vào báu vật…

Từ thuở những bảo vật này mới hình thành đến nay, không ai khác, chính các thế hệ nhân dân Bắc Ninh nói chung và cộng đồng các địa phương có bảo vật nói riêng đã, đang và sẽ còn mãi thay nhau gìn giữ, nâng niu, trân trọng như một phần cơ thể sống của mình vậy. Thế nên, mọi lợi ích và những giá trị khác, không gì có thể so sánh được với tâm sức, trí lực mà nhân dân Bắc Ninh đã dày công vun đắp suốt ngàn năm. Đó là niềm kiêu hãnh riêng có của hết thảy những người dân được sinh thành, nuôi dưỡng trong vùng văn hóa ấy và góp công gìn giữ kỷ vật mà lịch sử đã dành tặng cho quê hương Bắc Ninh văn hiến.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định: “ UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng Chùa Phật Tích và Bút Tháp là Di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Ngoài việc nơi đây có bảo vật quốc gia thì những giá trị văn hóa, kiến trúc, lịch sử tiêu biểu của hai di tích này cũng rất đặc biệt. Với chủ đề “Ngọn nguồn tâm linh”, trong chương trình Về miền Quan họ 2013 sẽ tôn vinh những giá trị tiêu biểu của 2 bảo vật quốc gia, qua đó góp phần quảng bá với du khách trong và ngoài nước tìm hiểu, tìm về với Bắc Ninh để thấy, cảm nhận và trân quý những bảo vật mà tiền nhân gây dựng”.

Sưu tầm