Hotline: | |
Miss Thủy: |
Facebook 1: Thủy Sự Kiện
Facebook 2: VữngBền SựKiện
Zalo: Thuysukien
Sản phẩm vỏ nhựa điện thoại di động của Công ty TNHH Intops Việt Nam (KCN Yên Phong) sử dụng rất ít nguyên liệu trong nước.
Hiện tại, Bắc Ninh được xếp vào nhóm các tỉnh có số lượng doanh nghiệp FDI lớn nhất cả nước, hội tụ được nhiều Tập đoàn có danh tiếng như: Canon, Sumitomo Samsung, Foxconn, Nokia… Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là tạo ra giá trị công nghiệp cao. Tuy nhiên trên thực tế, giá trị gia tăng tạo ra từ hàng xuất khẩu đóng góp cho địa phương lại rất thấp.
Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cao. Đó là ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh còn non kém, chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi hiện nay, có đến 90% nguyên liệu đầu vào, linh, phụ kiện để sản xuất hàng xuất khẩu tại các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu. Điều này đã đẩy chi phí sản xuất sản phẩm lên cao và làm giảm giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, thậm chí là các doanh nghiệp lớn mới đang chỉ hoạt động ở những phần có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm.
“Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài, đến hết tháng 5, tỉnh đã cấp GCNĐT cho 405 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.571 triệu USD. Trong đó, trong KCN tập trung, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh đã cấp GCNĐT cho 322 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.283 triệu USD; UBND tỉnh đã cấp GCNĐT cho 83 dự án FDI hoạt động ngoài KCN tập trung với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh là 288,083 triệu USD”. |
Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh chỉ có gần 100 doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ về điện, điện tử và ô tô, xe máy với quy mô nhỏ. Các doanh nghiệp nội địa có tiềm lực tài chính, công nghệ, nhân lực còn hạn hẹp và chưa đủ năng lực để sản xuất các linh, phụ kiện cung cấp cho các doanh nghiệp FDI sản xuất hàng xuất khẩu trên địa bàn hoặc nếu cung cấp chỉ là các nguyên liệu, chi tiết đơn giản.
Lấy ngành hàng điện tử, mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất, làm ví dụ có thể thấy các doanh nghiệp trong nước mới chỉ có thể sản xuất được các chi tiết đơn giản, giá trị thấp như hộp các tông, bao bì đóng gói, ốc vít, vài chi tiết nhựa đơn giản. Ngoài ra, sự thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước cũng đang là vấn đề đáng lo ngại, đã hạn chế cơ hội của các doanh nghiệp này tiếp cận với công nghệ cao và cải thiện năng suất. Ngay cả các doanh nghiệp FDI tại Bắc Ninh có hàng xuất khẩu cũng chỉ tham gia vào khâu sản xuất sản phẩm cuối cùng, lắp ráp sản phẩm với lượng giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị như các doanh nghiệp lớn như Samsung, Canon, Nokia.
“Đến hết tháng 5, trên địa bàn tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 690 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 76.001 tỷ VNĐ. Trong đó, trong KCN tập trung, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã cấp GCNĐT cho 291 dự án trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 22.510 tỷ VNĐ; UBND tỉnh đã cấp GCNĐT ngoài KCN cho 326 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký xấp xỉ 51.845 tỷ VNĐ và thực hiện xác nhận đăng ký đầu tư cho 73 dự án với tổng vốn đầu tư là xấp xỉ: 1.646 tỷ VNĐ”. |
Để nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng hóa tại các doanh nghiệp FDI, tỉnh và các doanh nghiệp cần tập trung vào hai nhóm vấn đề là phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh cũng như các vùng lân cận. Trong đó, tập trung vào đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong việc sản xuất các linh, phụ kiện công nghệ cao đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là khâu then chốt để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Bổ sung các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cụm ngành công nghiệp hỗ trợ. Tiếp tục có cơ chế chính sách thu hút đầu tư phù hợp, lựa chọn các dự án FDI có chất lượng, nằm trong khâu sản xuất tạo nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, chú trọng thu hút FDI từ các tập đoàn đa quốc gia theo hướng thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu; tạo điều kiện để một số tập đoàn đa quốc gia xây dựng các trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
Để thực hiện được những mục tiêu đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi đầu tư, thường xuyên tổ chức gặp mặt đối thoại cùng tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Quy hoạch các KCN tập trung, khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng thuận lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, để thực sự nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh không phải là vấn đề một sớm, một chiều mà là vấn đề lâu dài cần sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành, nhất là sự nỗ lực chung của cộng đồng doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Yến Ngọc